Bộ phim Bao Thanh Thiên kể về một vị quan xử án có tài phá án và phán xử các vụ án một cách nhanh chóng, chính xác, công tâm với những vụ án ly kỳ, hấp dẫn. Vậy trong chúng ta có bao giờ tự hỏi liệu tại sao Bao Công (hay còn gọi là Bao Chửng) lại xử án thành công như vậy?
Ngoài tài năng của Bao Công, thành công còn nhờ vào việc Bao Công đã tổ chức một bộ máy từ khâu điều tra đến khâu phá án, xử án rất gọn gàng và hiệu quả và nghệ thuật dùng đúng người, đúng việc: Bao Công là CEO, quyết đoán, công tâm, dám nghĩ, dám làm. Triển Chiêu đóng vai trò là cơ quan điều tra, với võ thuật tinh nhuệ và nhanh nhậy, có sức khỏe và sức trẻ, không khó để Triển Chiêu thâm nhập và điều tra những phạm nhân. Triển Chiêu cũng giống như Trưởng phòng kinh doanh của Doanh nghiệp vậy. Bao Công bắt giữ được nhiều phạm nhân cũng nhờ tài năng của Triển Chiêu; cũng như doanh nghiệp có nhiều khách hàng nhờ tài năng của đội ngũ bán hàng. Kế đó, 4 nhân vật: Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ thì giữ 2 vai trò: Vừa hỗ trợ Triển Chiêu khâu điều tra khi cần, vừa là người canh giữ công đường, để tránh các trường hợp làm náo loạn hay phá phách công đường khi Bao Công xử án và là bộ máy thi hành án. Cũng giống như bộ phận Hành chính, kế toán, tổ chức nhân sự, bảo vệ, chăm sóc khách hàng (vận hành) trong doanh nghiệp vậy; bộ phận này giúp duy trì và làm cho Doanh nghiệp hoạt động ổn định. Và bộ máy cuối cùng trong hệ thống tổ chức của Bao Công là Công Tôn Sách. Công Tôn Sách không giỏi võ như Triển Chiêu, không khỏe như Trương Long Triệu Hổ, không quyết đoán như Bao Công nhưng lại có một biệt tài mà những người kể trên không có được; đó là tài phân tích, dự đoán và đưa ra những chiến lược, ý kiến quân sư thiết thực. Chúng ta xem phim có thể thấy rất nhiều vụ án Bao Công xử đúng nhờ ý kiến cố vấn, quân sư rất tài tình của Công Tôn Sách. Công Tôn Sách giống như là một chuyên gia cố vấn cho doanh nghiệp về quản trị và quản lý rủi ro, quản trị pháp lý vậy; người này không tham gia thực tế vào chuỗi sản xuất, kinh doanh, bán hàng của doanh nghiệp nhưng các ý kiến tham vấn, quân sư của họ lại cực kỳ quan trọng để các CEO đưa ra các quyết định chính xác hơn. Bởi CEO thì không hẳn là việc gì cũng giỏi và quyết định nào cũng đúng đắn.
Qua phân tích từng vai trò của từng nhân vật trong Bao Công nêu trên chúng ta có thể thấy rằng: Bao Công đã tổ chức một bộ máy xử án tinh gọn, tinh nhuệ, đúng người đúng việc như thế nào. Cũng giống như một tổ chức mạnh không phải là một nơi có quá nhiều người, hay là tập hợp được người tài giỏi nhất. Mà một tổ chức mạnh là một bộ máy mà ở đó có những con người được sắp xếp làm ở vị trí phù hợp với sở trường, sở thích của người đó, một doanh nghiệp mà có tổ chức tinh gọn nhưng lại xử lý công việc nhanh chóng và chính xác.
Nói tóm lại, qua hệ thống tổ chức điều tra, xử án của Bao Công, doanh nghiệp cũng có thể rút ra các bài học:
- Tuyển dụng, phân công con người phù hợp với sở thích, sở trường của người đó (chứ không phải là người giỏi nhất, biết tuốt), đó là nghệ thuật để dùng nhân sự hiệu quả.
- Biết cách cải tổ bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả phù hợp với sản phẩm, dịch vụ mình đang sản xuất, kinh doanh; chứ không phải duy trì một bộ máy cồng kềnh, to lớn để cho người khác thấy doanh nghiệp mình lớn mạnh.
- Luôn có và dùng các cố vấn để tham mưu cho mình trong các quyết định cũng như trong quá trình đưa ra chiến lược kinh doanh. Bởi vì CEO không phải là người toàn năng, mà là người biết tập hợp sức lực và trí tuệ của nhiều người vào một bộ máy; ý kiến của chuyên gia độc lập đôi khi sẽ làm thức tỉnh một quyết định sai lầm mà CEO có khả năng sẽ mắc phải.
Luật sư Trần Đức Hùng