NGHỆ SĨ HUY ĐỘNG TIỀN LÀM TỪ THIỆN – NẾU DÙNG SAI MỤC ĐÍCH THÌ SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ GÌ

Vừa qua có nhiều vụ lùm xùm và ý kiến trái chiều khen chê tốt xấu liên quan đến nghệ sỹ kêu gọi, huy động tiền làm từ thiện.Về góc độ pháp lý. Chúng tôi thấy rằng pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc làm này; tuy nhiên khi thực hiện cần phải đảm bảo tính: minh bạch, công khai, đúng mục đích tiền huy động. Nếu không dùng số tiền huy động được đúng mục đích như đã kêu gọi, không công khai minh bạch thì các nghệ sĩ có thể bị cơ quan pháp luật xử lý, mức cao nhất là bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

  1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự

Điều 174 Bộ luật hình sự quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

  1. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự

Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản mà tài sản đó có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, nếu huy động tiền để lập quỹ từ thiện thì người huy động phải thực hiện thủ tục thành lập quỹ từ thiện, có giấy phép hoạt động quỹ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Nên chúng ta hãy thận trọng khi huy động tiền hay lập quỹ làm từ thiện. Mục đích động cơ có thể đúng nhưng sai cách làm hoặc không hoàn toàn đúng mục đích thì bạn có thể gặp rắc rối lớn về pháp lý.

Post Author: Luật DHP