Án lệ trong lịch sử pháp lý thế giới và áp dụng ở Việt Nam

Ngày 29-10, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã tiến hành giới thiệu Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16-12-2015. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014. Để có cái nhìn tổng quát về Án lệ, Ban biên tập Vì Công Lý xin giới thiệu bài phân tích dưới góc độ khoa học pháp lý về Án lệ trong lịch sử pháp lý và việc áp dụng án lệ ở Việt Nam.

Hiểu về án lệ như thế nào?

Dưới góc độ khoa học pháp lý đã được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận và thực hiện. Án lệ được hiểu là những bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên ra trước đây để giải quyết những sự việc cụ thể trên thực tế. Những phán quyết, bản án này sau đó được ghi nhận trong các tập san án lệ, các báo cáo tổng hợp án lệ… đó chính là một căn cứ quan trọng để phán quyết, bản án đó trở thành khuôn mẫu, trở thành cơ sở để tòa sử dụng trong xét xử nhằm đưa ra phán quyết trong những vụ việc có tình tiết, vấn đề tương tự sau đó. Cơ bản để một bản án, quyết định của Tòa án trở thành án lệ là nó phải có tính khuôn mẫu, có khả năng áp dụng lại sau này để làm cơ sở cho việc xét xử đối với những trường hợp chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc có, nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Việc tổng hợp, ban hành, quy định về quy chuẩn của những bản án, phán quyết được phép làm án lệ ở nhiều nước trên thế giới gắn với hoạt động lập pháp, nó gần như là một quá trình làm luật của Tòa án, theo những trình tự thủ tục cụ thể, chặt chẽ từ ban hành các nguyên tắc chọn lựa, quá trình chọn lựa tới việc công nhận và cho áp dụng trên thực tế.

Như vậy, để hiểu một cách đơn giản nhất, án lệ là bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên và sau đó được Tòa tối cao hoặc một cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, công bố theo các nguồn án lệ dựa vào các nguyên tắc nhất định, từ đấy gọi là án lệ. Các vụ việc sau có tính chất tương tự có thể áp dụng án lệ này để tham khảo hoặc thậm chí là để đưa ra phán quyết, có giá trị tương tự như quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào khác đang tồn tại.

Án lệ đã được áp dụng như thế nào trong hệ thống pháp luật các nước trên thế giới?

Án lệ không phải là điều gì quá xa lạ với những nước áp dụng các hệ thống pháp luật phổ biến trên thế giới như hệ thống thông luật (Common Law), hệ thống lục địa (Civil Law)…
Đối với hệ thống pháp luật Civil Law, án lệ có một lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Được khởi nguồn từ việc Hoàng đế Severus cai trị La Mã từ năm 193 đến năm 211 cho phép các thẩm phán bổ sung những lỗ hổng của luật thành văn bằng tập quán và thực tiễn xét xử của các vụ việc tương tự. Mặc dù lịch sử áp dụng án lệ đã từng có nhiều thăng trầm, nhưng đối với hệ thống Civil Law hiện nay vẫn là một nguồn cực kỳ quan trọng trong áp dụng pháp luật tại các quốc gia này. René David, một luật sư người Pháp đã từng nhận xét: “Bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, ảo tưởng về giá trị của luật thành văn là nguồn luật thuần nhất đã dần bị xoá bỏ.”

Có thể lấy dẫn chứng pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức, một quốc gia đại diện cho hệ thống pháp luật Civil Law. Trong BLDS Đức năm 1900, các quy định về hợp đồng, bồi thường thiệt hại v.v.. đã được hỗ trợ bởi hàng loạt những án lệ, ví dụ như các quy định tại Điều 181 BLDS Đức 1900. Thậm chí tại Đức, việc tuân thủ án lệ không chỉ là trách nhiệm của Tòa án mà còn thuộc về các luật sư, bởi giá trị áp dụng của nó là rất rộng rãi, nếu không chú ý đến các án lệ của các tòa án cấp cao, thì luật sư có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng vì tư vấn không đúng.

Đối với hệ thống pháp luật Common Law. Một trong những điểm cơ bản của các nước theo Hệ thống này là án lệ được coi là một trong những nguồn luật áp dụng bắt buộc, ít nhất là tại tòa án. Tại Hoa Kỳ, nền pháp luật theo hệ thống Common Law thì các tòa án cấp dưới của liên bang và các tòa án của bang có nghĩa vụ tuân thủ các quyết định trước đây của tòa án tối cao liên bang nhưng các phán quyết của tòa án cấp dưới về những vấn đề mang tính liên bang không có tính ràng buộc đối với các bang khác nhưng vẫn được xem xét và cân nhắc rất cẩn thận.

Mặc dù có nhiều điểm khác biệt trong cách sử dụng án lệ của hai hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới nêu trên, nhưng nhìn chung có thể đưa ra nhận định, việc áp dụng án lệ của nhiều nước trên thế giới là rất phổ biến, đặc biệt là các quốc gia phát triển, trong đó một vài nền pháp luật còn xem đó là nguồn bắt buộc có giá trị tương ứng như luật thành văn và được áp dụng nhiều trong việc xét xử tại Tòa án. Còn ở Việt Nam, thì án lệ vẫn còn là một câu chuyện cần phải bàn nhiều.

Án lệ trong lịch sử pháp lý Việt Nam

Đây không phải là thuật ngữ hoàn toàn mới trong khoa học pháp lý hay là nền lập pháp Việt Nam, lịch sử pháp lý nước ta đã có nhưng quy định về án lệ, nhưng chỉ đến Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP thì những quy định về án lệ mới thực sự được thay một lớp áo mới, quan trọng hơn và có tính áp dụng cao hơn.

Trước thời điểm này, hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính…đều thừa nhận nguyên tắc: Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Pháp luật ở đây được hiểu là các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc Hội ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật khác do Chính phủ và các cơ quan chức năng hướng dẫn, nôn na có nghĩa là luật thành văn. Như vậy, việc xét xử, áp dụng pháp luật vào các vụ án cụ thể phải dựa trên luật đã được ban hành và còn hiệu lực, chứ không dựa trên án lệ. Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của án lệ trong đời sống pháp lý.

Hệ thống pháp luật của chúng ta được thiết lập theo quan niệm của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bắt nguồn từ Liên Xô. Dưới góc độ học thuật, nền pháp luật Việt Nam không thừa nhận thuộc về trường phái Civil Law hay Common Law một cách cụ thể, mà là hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, có sự giao thoa giữa nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, được xây dựng một cách đặc biệt và hài hòa phù hợp với đặc thù riêng của thể chế chính trị. Từ năm 2004, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) nước ta đã thường xuyên chọn lọc và công bố các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC hay việc công khai các bản án trên nhiều kênh thông tin đại chúng hoặc trong sổ tay thẩm phán. TAND Tối cao cũng có những văn bản tổng kết hướng dẫn nghiệp vụ xét xử hằng năm. Tuy nhiên, việc sử dụng những bản án được công khai trong thực tiễn pháp lý hiện nay chỉ mang tính chất tham khảo trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án chứ không dùng làm căn cứ pháp lý cho việc xét xử. Việc tồn tại nguyên tắc “stare decisis” (nguyên tắc bắt buộc tuân theo án lệ) là chưa từng xuất hiện trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có nghĩa án lệ từ trước đến nay là một nguồn để tham khảo chứ không phải là một nguồn để áp dụng.

Nghị quyết số 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị ngày 02/06/2005 đã đề ra mục đích xây dựng và hoàn thiện từng bước hoạt động của Toà án nhân dân là “TANDTC có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm”. Việc sử dụng thuật ngữ án lệ trong Nghị quyết 49/NQ-TW 2005 là chuyển biến lớn về mặt đường lối. Sau đó với Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ là một bước tiến dài về mặt thực tiễn đối với việc áp dụng pháp luật tại Việt Nam.

Điều 8 Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP quy định rõ ràng về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử
“1. Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc được ghi trong quyết định công bố án lệ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.”

Việc sử dụng án lệ vào thực tiễn xét xử ở Việt Nam vào thời điểm này liệu có hợp lý?

Có hai quan điểm đối lập nhau về vấn đề này. Nhiều ý kiến phản đối án lệ cho rằng, pháp luật nước ta nghiêng nhiều về hệ thống Civil Law, chủ yếu là luật thành văn, được xây dựng theo quy trình chặt chẽ và cụ thể, nếu áp dụng án lệ lúc này sẽ tạo nên sự tùy tiện trong việc xét xử, bởi ý nghĩa của từ “tương tự” luôn là rất mơ hồ và khó giải thích tuyệt đối. Việc áp dụng án lệ vào xét xử hoàn toàn không phù hợp còn bởi hệ thống pháp luật không ngừng thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nên trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật không hoàn toàn giống nhau. Nước ta hiện nay chỉ nên làm theo cách các bản án phải được tổng hợp, đúc kết hằng ngày, nếu có khúc mắc thì đưa ra văn bản hướng dẫn rồi nâng lên thành luật. Bởi ngay cả TAND Tối cao cũng không dám khẳng định những bản án giám đốc thẩm, tái thẩm của mình là hoàn toàn đúng thì dựa vào đâu để đặt ra một khuôn mẫu cho một bản án, quyết định. Điều này không nên mơ hồ tùy tiện áp đặt.

Quan điểm đồng tình thì cho rằng, pháp luật ban hành ngày càng thiếu và nhiều lỗ hổng bởi tốc độ phát triển của xã hội được đẩy rất nhanh, việc tăng tốc hoạt động lập pháp dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể theo kịp. Pháp luật đặt ra là để duy trì trật tự xã hội, vậy thì tại sao không thừa nhận một thực tiễn pháp lý đã được nhiều quốc gia tiến bộ áp dụng để giải quyết một phần những lỗ hổng đó, mục đích của sử dụng án lệ cũng là mục đích của pháp luật, nếu đã thấy ưu điểm của nó thì cần phải mạnh dạn áp dụng thì mới có thể quản lý xã hội hiệu quả.

Phải nhìn nhận một cách thực tế vào vấn đề này, quan điểm không áp dụng án lệ bởi có thể dẫn tới cách áp dụng tùy tiện vì khó cắt nghĩa được từ “tương ứng”. Có nghĩa chúng ta luôn phải tìm sự hoàn hảo trong pháp luật thành văn, để từ đấy mà suy đoán nếu gặp trường hợp chính pháp luật thành văn không điều chỉnh nổi, một hình thức của suy đoán pháp luật và nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự. Nhưng cần phải hiểu rằng, bản thân pháp luật không bao giờ có thể đảm bảo sự chính xác tuyệt đối hay đòi hỏi sự hoàn hảo bởi suy cho cùng trên thực tế, hoàn hảo cũng chỉ là một khái niệm mang tính tương đối. Luật thành văn hay án lệ, suy cho cùng cũng là trí tuệ của một nhóm người, nếu không thể chắc chắn xử lý được hết mọi quan hệ xã hội phát sinh từ luật thành văn, thì cần phải thừa nhận sự tồn tại của án lệ trong thực tiễn xét xử. Thay đổi quan trọng nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay chính là việc tiếp nhận những nhân tố pháp luật nước ngoài một cách có hiệu quả. Áp dụng án lệ vào việc xét xử ngoài ý nghĩa giải quyết một vụ án cụ thể còn là cơ sở để xử những vụ án tương tự sau này. Có tác dụng tạo ra sự bình đẳng trong xét xử các vụ án có tính chất giống nhau, giúp tiên lượng được kết quả của các vụ tranh chấp, tiết kiệm công sức của các thẩm phán, các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng.

Việc cải cách nếu cần thiết là điều hợp lý để phục vụ cho mục đích xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Những tư duy theo lối mòn và mang tính chất bảo thủ cần phải được thay đổi bởi xã hội không bao giờ dừng lại để chiều theo suy nghĩ của bất cứ cá nhân nào. Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP thừa nhận việc áp dụng án lệ vào xét xử là một bước đi tiến bộ, nhưng đấy chưa phải là điểm dừng bởi đằng sau đó là một quá trình dài xem xét về việc lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ một cách phù hợp, chính xác để quy định này đảm bảo tính hiệu quả cao nhất trong thực tiễn thì mới đem lại lợi ích cho xã hội.

Nguồn: Theo tapchitoaan.com

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Bất động sản,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh