LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẢO VỆ BÍ MẬT KINH DOANH, THÔNG TIN MẬT TRONG DOANH NGHIỆP?

Đa phần các doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đều có những bí mật kinh doanh không thể tiết lộ cho đối thủ biết. Vậy bí mật kinh doanh là gì? Quy định của pháp luật Việt Nam về bí mật kinh doanh như thế nào? Làm thế nào để bảo vệ bí mật kinh doanh trong doanh nghiệp?…Trong bài viết dưới đây, Hãng luật DHP sẽ giải đáp những vấn đề trên.

  1. Bí mật kinh doanh, thông tin mật của doanh nghiệp là gì?

Căn cứ theo luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và các văn bản hướng dẫn, bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Bí mật kinh doanh được xác định dựa trên 3 đặc điểm sau đây:

  1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Thông tin mật được hiểu là những thông tin mà doanh nghiệp quy định chỉ cho phép lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp hoặc hạn chế những ai được biết thông tin này. Hành vi sử dụng hoặc tiết lộ sử dụng thông tin mật có khả năng gây hại cho doanh nghiệp. Một số ví dụ về thông tin bí mật: tình hình kinh doanh và tài chính của công ty; kế hoạch chiến lược/kinh doanh; thông tin giá cả; kế hoạch tiếp thị và chiến lược phát triển kinh doanh; dữ liệu lâm sàng, dữ liệu kỹ thuật và nghiên cứu, sáng chế và đổi mới; thông tin bí mật được các đối tác kinh doanh ủy thác;…. Ngoài ra, các thông tin mà theo quy định của pháp luật phải được công khai thì sẽ không được xem là thông tin mật, ví dụ như: báo cáo tài chính, tình hình lao động hoặc tiến độ thực hiện dự án; thông tin người quản lý;…..

  1. Quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ bí mật kinh doanh:

Theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện nay, bí mật kinh doanh không yêu cầu phải đăng ký bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ chế bảo vệ đối với bí mật kinh doanh là tự động dựa trên việc sở hữu bí mật kinh doanh đó một cách hợp pháp và có hành vi thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bên cạnh đó, các thông tin bí mật không liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế bảo hộ tự động nêu trên, các doanh nghiệp có thể cân nhắc chủ động đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh dưới hình thức đăng ký bảo hộ sáng chế, quyền tác giả,…

  1. Làm thế nào để doanh nghiệp bảo vệ được bí mật kinh doanh?
  • Xây dựng chính sách bảo hộ bí mật kinh doanh minh bạch, rõ ràng;
  • Hạn chế tiếp cận các thông tin về bí mật kinh doanh, chỉ nên tiết lộ với những người cần phải biết thông tin đó (lãnh đạo doanh nghiệp, phòng ban liên quan…) và phân quyền truy cập đối cơ sở dữ liệu thông tin cần bảo mật…;
  • Xây dựng thỏa thuận bảo mật thông tin, thỏa thuận chống cạnh tranh với người lao động một cách chặt chẽ, quy định những hậu quả pháp lý mà người lao động phải chịu trong trường hợp vi phạm;
  • Phân loại rõ các thông tin, tài liệu trong doanh nghiệp để xác định thông tin nào là thông tin mật, thông tin nào là bí mật kinh doanh;
  • Xây dựng quy trình và các công cụ để bảo quản hồ sơ, tài liệu mật, hồ sơ, tài liệu về bí mật kinh doanh;
  • Cử đơn vị luật sư để theo dõi và sẵn sàng có các hành động pháp lý khi có các dấu hiệu bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bị bên thứ ba xâm phạm hoặc có nguy cơ bị xâm phạm.
  1. Khi có dấu hiệu bí mật kinh doanh, thông tin mật bị xâm phạm thì doanh nghiệp cần làm như thế nào?

Khi phát hiện bí mật kinh doanh của mình có dấu hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục sau đây để bảo vệ bí mật kinh doanh của mình:

  1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  2. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 

Trên đây là những lời tư vấn của Hãng Luật DHP về vấn đề liên quan đến bí mật kinh doanh trong doanh nghiệp. Cảm ơn quý khách hàng đã xem bài viết, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho quý khách hàng.

 

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: Luật DHP