ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG ĐẤT ĐAI VÀ 05 ĐIỀU CẦN BIẾT

1.Đăng ký biến động đất đai là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT thì đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.

—-

2. Khi nào phải đăng ký biến động đất đai?

Theo khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 thì đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:

– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

– Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

– Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

– Chuyển mục đích sử dụng đất;

– Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

– Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.

– Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

– Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

– Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo:

+ Kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận;

+ Thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ;

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;

+ Văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

– Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

3. Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai và lưu ý khi kê khai

* Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai là Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT).

* Lưu ý khi kê khai đơn đăng ký biến động đất đai:

– Kê khai theo đúng tên và địa chỉ như trên giấy chứng nhận đã cấp, trường hợp có thay đổi tên thì ghi cả thông tin trước và sau khi thay đổi và nộp giấy tờ chứng minh sự thay đổi.

– Không kê khai, không xác nhận các thông tin tại Điểm 5 của mục I, các mục II, III và IV của Đơn này đối với trường hợp:

+ Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”;

+ Chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

+ Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng;

+ Trường hợp xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ vào Giấy chứng nhận.

– Không kê khai, không xác nhận các thông tin tại Điểm 5 của Mục I, các mục II và IV của Đơn này đối với trường hợp xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận.

—–

4. Nơi đăng ký biến động đất đai

Người sử dụng đất đăng ký biến động đất đai tại một trong các nơi sau đây:

– Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

– Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cụ thể:

+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đăng ký biến động đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

– Ủy ban nhân dân cấp xã nếu hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không: Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng.

(Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP)

5.Thời hạn giải quyết đăng ký biến động đất đai

Thời hạn giải quyết đăng ký biến động đất đai là không quá 10 ngày đối với đăng ký biến động trong các trường hợp:

– Trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

– Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai;

– Xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

– Kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án;

– Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty;

thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất;

– Do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký.

Post Author: Luật DHP