Chuyện thu tác quyền âm nhạc trong khách sạn: Có tìm được tiếng nói chung?

Việc tranh cãi xung quanh chuyện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc phát trên truyền hình là một câu chuyện pháp lý rất thú vị. Hãy cùng chúng tôi phân tích dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành.

VCPMC “vin” vào đâu?

Yêu cầu thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc qua ti vi trong khách sạn của VCPMC được đưa ra dựa trên quy định của điểm b, khoản 1 Điều 20 Luật SHTT. Đó là quyền “Biểu diễn tác phẩm trước công chúng”.

Đầu tiên, cần khẳng định, Điều 20 Luật SHTT quy định về các quyền tài sản của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm.

“Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: 

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”

Với cách hiểu thông thường, biểu diễn tác phẩm là việc một nghệ sĩ/tập thể nghệ sĩ truyền đạt nội dung tác phẩm tới người thụ hưởng thông qua khả năng trình diễn nghệ thuật của mình (bằng mắt, bằng tai nghe hoặc các giác quan khác). Vậy, việc bật TV lên có thể hiểu là “biểu diễn” tác phẩm trước công chúng không? Cá nhân tôi cho rằng không phải. Mà đó là việc sử dụng chương trình được phát sóng.

Hơn nữa, cần phải thấy rằng, khoản 2, Điều 20 quy định rất rõ “Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này”. Tức là, việc thực hiện các quyền của khoản 1 mà không phải là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thì phải xin phép tác giả/chủ sở hữu. Vậy, việc mở TV xin phép tác giả thì theo cơ chế nào? Có vẻ như không kiểm soát được trên thực tế.

Còn nếu áp dụng khoản 3 Điều 20 thì có cơ sở không? Việc sử dụng Chương trình phát sóng qua TV không thể gọi là “biểu diễn trước công chúng” quy định tại điểm b, khoản 1 được.

Như vậy, VCPMC đã xác định đó là quyền biểu diễn tác phẩm. Dường như, đây là một sự vận dụng không chính xác.

Cục Bản quyền Tác giả nói gì?

Trả lời báo chí, Ông Bùi Nguyên Hùng – Cục trưởng Bản quyền Tác giả – cơ quan quản lý trực tiếp vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tán thành với việc thu tiền tác quyền. Theo ông, việc làm này đúng với Điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ và Điều 35 Nghị định 100 cũng như các điều ước quốc tế.

Chúng ta thấy, phía cơ quan quản lý đã áp dụng quy định khác trong cùng một hành vi. Họ cho rằng, có cơ sở pháp lý của việc yêu cầu các chủ khách sạn trả tiền bản quyền khi sử dụng TV, nhưng cơ sở là Điều 33 Luật SHTT.

Vậy Điều 33 quy định thế nào?

“Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.”

Rõ ràng, về mặt quyền đã có sự hiểu khác biệt. Điều 33 quy định về quyền liên quan.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Luật SHTT thì  “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”

Đến đây, chúng ta thấy, quyền liên quan không phải là quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm nữa, mà là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng… Từ đó có thể nhận ra, VCPMC – Tổ chức đại diện tập thể của các tác giả, đi thu tiền đối với quyền liên quan là không có cơ sở pháp lý rồi.

Cũng cần phải thấy rằng “Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn” (Khoản 11, Điều 4 Luật SHTT)

Khi Đài truyền hình  phát sóng (sau khi đã xin phép tác giả sử dụng tác phẩm và trả tiền bản quyền cho tác giả) thì họ lại là người chủ sở hữu các “Chương trình phát sóng” theo quy định tại Điều 44 Luật SHTT. Các chương trình phát sóng này được bảo hộ theo Luật SHTT.  Chủ sử hữu chương trình phát sóng có các quyền quy định tại Điều 31 Luật SHTT, trong đó có quyền hưởng lợi vật chất khi chương trình phát sóng được phân phối đến công chúng. Người sử dụng các chương trình phát sóng sẽ phải trả tiền cho người sở hữu chương trình phát sóng. Nếu khách sạn sử dụng các chương trình truyền hình, thì tùy theo số lượng các TV mà phải trả tiền hàng tháng (thường trả dưới hình thức tiền thuê bao hoặc trả tiền theo chương trình yêu cầu sử dụng, tùy theo khả năng kiểm soát kỹ thuật của Đài). Vấn đề là khai thác các chương trình phát sóng của các khách sạn như thế nào, để từ đó, có thể thỏa thuận mức trả tiền thuê bao (bao gồm cả trả tiền cho việc sử dụng các chương trình phát sóng. Từ đó, Đài truyền hình trả tiền tăng lên cho các tác giả/chủ sở hữu tác phẩm. Tức là, nếu chương trình phát sóng có sử dụng vào mục đích kinh doanh (như ở khách sạn) thì có thể phải trả mức phí thuê bao cao hơn thông thường.

Tóm lại, nội dung quy định của Điều 33 là quy định về quyền liên quan của những người không phải là chủ sở hữu/tác giả tác phẩm âm nhạc. Việc VCPMC- tổ chức đại diện tập thể của các tác giả đi thu tiền của các khách sạn là không có cơ sở pháp lý.

CVMMC và các khách sạn có tìm được tiếng nói chung?

Từ trước đến nay, các khách sạn vẫn trả tiền thuê bao truyền hình và sử dụng TV như là một vật dụng thiết yếu trong các phòng ngủ. Đây được coi như là một tiện nghi của cơ sở lưu trú. Không khách sạn nào coi đây là các “cuộc biểu diễn”, “chương trình biểu diễn” để thu thêm tiền của khách. Đó là điều hết sức bình thường. Với tâm lý đã trả tiền “tác quyền” thông qua tiền thuê bao truyền hình giờ phải trả thêm tiền là điều không phục và phản ứng là lẽ đương nhiên.

Lưu ý là việc VCPMC đi thu tiền ở các khách sạn không phải là một mệnh lệnh/quyết định hành chính từ phía Nhà nước. Đó hoàn toàn là quan hệ dân sự. Vậy, trường hợp các khách sạn bất hợp tác thì sao? VCPMC không thể “cưỡng chế” hay thông qua cơ quan nhà nước “cưỡng chế” thu được. Đây hoàn toàn là vấn đề về dân sự việc giải quyết sẽ do thông qua Tòa án.

Từ các cơ sở trên, có thể thấy rằng, bảo đảm hài hòa lợi ích của các tác giả/chủ sở hữu tác phẩm, với lợi ích của các chủ thể quyền liên quan, quyền thụ hưởng các tác phẩm văn học nghệ thuật của công chúng, góp phần giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của nền nghệ thuật nước nhà đến công chúng, đến du khách không chỉ là trong nước và khách quốc tế, cần có sự thỏa thuận hợp lý trong việc thu tiền tác quyền thông qua việc trả tiền cho các Đài truyền hình của các chủ khách sạn một cách hợp lý để không gây phản ứng tiêu cực.

Nguồn: Theo kiemsat.vn

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Thuế, Sở hữu trí tuệ,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh