CHI PHÍ XEM XÉT, THẨM ĐỊNH TẠI CHỖ TRONG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ – VƯỚNG MẮC VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, nếu đương sự yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ chủ yếu được thực hiện đối với các vụ án trong giai đoạn sơ thẩm, đó là đo vẽ hiện trạng nhà đất tranh chấp, xem xét vật, kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất, xem xét tài sản, thẩm định vật tư, hàng hóa,… để giải quyết vụ án một cách chính xác. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ sẽ phát sinh chi phí.

       Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì “Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật”.

       Trước đây, BLTTDS 2004 không có quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. BLTTDS năm 2015 đã bổ sung 04 điều luật mới quy định về vấn đề này, gồm[1]: (1) Tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 155);  (2) nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 156); (3) nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 157) và (4) xử lý tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 158).

         Thiếu quy định nên áp dụng không thống nhất 

         Như đã nêu ở trên, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đã được quy định bổ sung vào trong BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên, quy định cụ thể nội dung này thì Quốc hội lại giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định (Điều 169)[2].

        Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2017 quy định BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị quyết này thì: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”

         Từ trước tới nay chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Chính vì vậy, việc hiểu và áp dụng các quy định ở các Tòa án không có sự thống nhất. Thậm chí, có những trường hợp khiến cho đương sự cảm thấy thiếu minh bạch dẫn đến khiếu nại vì ở một số Tòa án, số tiền này do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trực tiếp thu và chi.

       Các Thẩm phán có cách tính tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ không thống nhất. Cách thức thu tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ của các Thẩm phán cũng vậy, có Thẩm phán lập biên bản thu tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và sau khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xong, Thẩm phán thực hiện việc thanh quyết toán chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ với người nộp tiền tạm ứng và lập biên bản về việc thanh quyết toán này; có Thẩm phán lại yêu cầu đương sự viết giấy nộp tiền để lưu vào hồ sơ vụ án.

         Việc chi tiền cho những người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ của mỗi Thẩm phán, mỗi vụ án cũng không giống nhau. Do tính chất của đối tượng được xem xét thẩm định tại chỗ khác nhau nên việc chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ cũng rất khác nhau. Có Thẩm phán thực hiện chi 100.000 đồng/ người/ buổi, có Thẩm phán chi 200.000 đồng/ người/ buổi. Có Thẩm phán chi tiền cho cả Thẩm phán và Thư ký Tòa án nhưng cũng có Thẩm phán không chi khoản này.

          Trong thực tế giải quyết các vụ án dân sự, khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ phải chi phí nhiều khoản khác nhau. Thông thường, chi phí trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ gồm những khoản sau:

 + Chi phí đo vẽ nhà đất: Được tính theo giá của cơ quan có chức năng đo vẽ nhà, đất (có hợp đồng, biên lai thu tiền của những cơ quan này, nên việc quyết toán không có gì vướng mắc);

+ Thuê phương tiện kỹ thuật, thiết bị đo đạc, thẩm định vật tư, hàng hóa… Việc thuê này thường theo biên lai, hóa đơn thanh toán;

+ Chi phí cho phương tiện đi lại: Nếu địa điểm xem xét, thẩm định ở xa thì chi phí được tính theo giá vận chuyển có biên lai; đối với các địa điểm gần, cán bộ Tòa án và người đo vẽ thường tự túc phương tiện đi lại thì có Thẩm phán chi khoản này cho người tự túc phương tiện, có Thẩm phán không chi;

+ Chi phí cho đại diện Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc công an xã phường hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định tại chỗ tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ. Thường là việc xem xét, thẩm định tại chỗ được thực hiện trong một ngày hoặc một buổi, có Tòa án chi 100.000đ/người, có Tòa án chi 200.000đ/người, cũng có Thẩm phán chi 300.000đ/người vì cho rằng Tòa án rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của Uỷ ban nhân dân, Cơ quan công an…

          Ngoài ra, có những vụ phải xem xét, thẩm định địa điểm ở xa, kéo dài thời gian Tòa án phải bố trí ăn trưa cho tất cả những người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí này thường không có hóa đơn, chứng từ.

         Qua thực tiễn công tác xét xử, có thể thấy, việc thu, chi tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ hoàn toàn do ý chí chủ quan của Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ việc dân sự. Do đó, trong nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã bỏ qua, không quyết định ai có nghĩa vụ chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ. Điều đó rõ ràng không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

       Trong khi chờ quy định cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, rất cần sự nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm cho việc thu, chi chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong giải quyết các vụ việc dân sự được thống nhất.

          Đề xuất quy định cụ thể 

          Như đã nêu ở trên, việc xem xét, thẩm định tại chỗ chủ yếu được thực hiện đối với các vụ án sơ thẩm chủ yếu là đo vẽ hiện trạng nhà đất tranh chấp, xem xét vật kiến trúc, cây cối hoa màu trên đất, xem xét tài sản tranh chấp… để có căn cứ giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, đúng pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.

      Tuy nhiên, về việc chi phí cho các chủ thể tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ trong thực tiễn công tác xét xử hiện nay cũng có hai loại ý kiến khác nhau:

–  Loại quan điểm thứ nhất cho rằng, phải chi tiền cho tất cả những người tham gia, chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ bất kể là người hưởng lương trong hay ngoài ngân sách nhà nước. Bởi vì, tham gia, chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ không phải là công việc thường xuyên của những người này. Nếu không chi tiền cho họ là không thỏa đáng, vì họ tham gia, chứng kiến xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chính tại nơi công tác, làm việc.

–  Loại quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ chi tiền cho những đối tượng tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ là những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không cần chi vì việc họ tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ cũng là thực hiện công việc được phân công trong thời gian làm việc.

       Chúng tôi nghiêng về quan điểm thứ nhất, đó là chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ bao gồm cả các khoản chi phí cho những người trực tiếp xem xét, thẩm định và những người tham gia chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.

       Trong khi chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xác định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; về thủ tục thu, chi tiền cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ, trước mắt, Tòa án áp dụng tương tự các quy định về chi phí định giá tài sản quy định tại các điều 35, 41 của Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 và các điều 9,10, 11, 12 của Nghị định 81/2014/NĐ-CP để xác định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.

       Qua nghiên cứu và thực tiễn công tác giải quyết các vụ việc dân sự có xem xét, thẩm định tại chỗ, chúng tôi đề xuất xác định chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ bao gồm một hoặc một số chi phí sau:

–  Chi phí cho người thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, người chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ;

–  Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần xem xét, thẩm định bao gồm một hoặc một số chi phí sau: (1) Chi phí xác định tổng quát về tài sản cần xem xét, thẩm định; (2) chi phí lập kế hoạch xem xét, thẩm định tại chỗ; (3) chi phí khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần xem xét, thẩm định tại chỗ; (4) chi phí phân tích thông tin liên quan đến tài sản cần xem xét, thẩm định. Trong đó:

+  Chi phí thu thập, phân tích thông tin về đối tượng cần xem xét, thẩm định được xác định theo thực tế phát sinh của từng trường hợp xem xét, thẩm định cụ thể và nội dung chuyên môn phục vụ cho quá trình thu thập, phân tích thông tin về đối tượng xem xét, thẩm định trên cơ sở có hợp đồng và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

+ Chi phí sử dụng dịch vụ: Loại chi phí này áp dụng trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kết luận chuyên môn do chuyên gia hoặc tổ chức khác làm cơ sở tham khảo cho hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc xem xét, thẩm định được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở có hợp đồng và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

+ Chi phí khác: Là những chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho công việc thực hiện xem xét, thẩm định tại chỗ phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có hợp đồng và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

      Tuy nhiên, việc xem xét, thẩm định tại chỗ do Tòa án trực tiếp tổ chức thực hiện, để bảo đảm sự minh bạch, thủ tục thu tiền tạm ứng, chi, thanh quyết toán với đương sự, chúng tôi đề xuất cần có quy định việc thu chi phải được lập chứng từ để giao cho đương sự và lưu hồ sơ vụ án.                                                                                                

[1] Xem các điều 155, 156, 157 và 158 của BLTTDS 2015.

[2] Điều 169 BLTTDS 2015 quy định:

Căn cứ vào quy định của Bộ luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, định giá tài sản; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch; chi phí tố tụng khác do luật khác quy định và việc miễn, giảm chi phí tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.”

Nguồn: Theo tapchitoaan.vn

Để được hỗ trợ, tư vấn về Giải quyết Tranh tụng,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

 

Post Author: vanh