Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Dự thảo Nghị quyết phiên tòa trực tuyến được triển khai một cách kỹ lưỡng, thận trọng

Sáng 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát Biểu, ảnh: sưu tầm

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã cho thấy đa phần các đại biểu đánh giá những nỗ lực của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, cũng như đồng tình với các Báo cáo tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, các Báo cáo đã được chuẩn bị chu đáo và được thẩm tra rất kỹ lưỡng tại các cơ quan của Quốc hội từ sớm. Các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn của các cơ quan tố tụng khi phải thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời ủng hộ việc Quốc hội ban hành một dự thảo Nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức “Phiên tòa trực tuyến” theo như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Nhiều ý kiến góp ý có tính gợi mở và đặt ra yêu cầu cao, mở rộng và chất lượng hơn đối với phiên tòa trực tuyến. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được TANDTC tiếp thu đầy đủ.

Đề cập về căn cứ ban hành dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định là theo trình tự thủ tục rút gọn và thẩm quyền của Quốc hội. Khi Chủ tịch Quốc hội chủ trì về việc bỏ phiếu và lấy ý kiến của Quốc hội về chương trình Kỳ họp thứ 2 đã nêu rõ căn cứ để ban hành Nghị quyết này. Cho nên trong Tờ trình của TANDTC xin phép không nhắc lại và coi như Quốc hội đã thông qua.

Về việc thí điểm tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau một thời gian có sự chuẩn bị và lấy ý kiến của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thẩm tra, TANDTC nhận thấy việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là vấn đề lớn. Các đại biểu Quốc hội cho rằng phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà còn lâu dài trong việc xét xử các vụ án. Nếu chúng ta đưa vào Nghị quyết là 3 năm thì đồng nghĩa là sau đó phải có một Nghị quyết khác đề cập rõ hơn để duy trì tổ chức phiên tòa trực tuyến. Vì thế, trong báo cáo hàng năm của TANDTC phải có báo cáo với Quốc hội về những kết quả đạt được, những hạn chế và các bài học rút ra cũng như đưa ra những đề nghị khi triển khai. Còn nếu chúng ta ấn định 3 năm thì có nghĩa là phương thức tổ chức phiên tòa trực tuyến chỉ được thi hành trong 3 năm, trong khi các đại biểu đều cho rằng, hình thức này có thể đáp ứng được việc giải quyết xét xử trong điều kiện bức thiết trước mắt và lâu dài Tòa án vẫn phải thực hiện cũng như ngày càng phải triển khai mở rộng hơn.

Giải trình ý kiến cần cần thận trọng, chặt chẽ khi đưa vào dự thảo Nghị quyết những nội dung về phạm vi, điều kiện áp dụng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ở nhiều tòa án quốc tế đã đưa vào hệ thống hạ tầng pháp lý cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với nhiều cách thức khác nhau như: ban hành đạo luật về tố tụng hoặc ban hành đạo luật riêng về tố tụng điện tử; giao cho Chánh án TANDTC hướng dẫn.

Tham khảo kinh nghiệm của các tòa án quốc tế, TANDTC đã đưa vào Dự thảo các quy chế và sự lựa chọn của Tòa án, cụ thể là ban hành một Thông tư liên ngành giữa Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Quốc phòng nhằm tạo hạ tầng pháp lý cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến. Mặc dù dự thảo Thông tư về việc thực hiện phiên tòa trực tuyến được soạn thảo đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa hoàn thiện và việc hoàn thiện Dự thảo vẫn đang được triển khai một cách kỹ lưỡng, thận trọng.

Về nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Tp Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã hỗ trợ TANDTC để triển khai hình thức xét xử này. Việc phiên tòa trực tuyến sẽ được triển khai ở các địa phương đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần được bố trí nguồn lực hợp lý cho việc triển khai nên cần được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.

Đề cập về Tòa án điện tử với việc sử dụng công nghệ thông tin, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, để triển khai việc này cần phải có 3 yếu tố: Một là phải có hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: máy móc thiết bị, đường truyền và các phần mềm. Hai là phải có nhân lực về công nghệ thông tin như: kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin, đội ngũ Tòa án và các cơ quan khác sử dụng công nghệ thông tin, cũng như công chúng sử dụng công nghệ thông tin khi có các vụ việc liên quan đến Tòa án. Ba là hạ tầng pháp lý cho việc sử dụng công nghệ thông tin.

Về hạ tầng pháp lý thì có thể ban hành một đạo luật riêng và việc xây dựng một đề án này đã được TANDTC hoàn thành với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Bộ, ban ngành. TANDTC cũng đã báo cáo với Chính phủ về việc xây dựng đề án để bố trí nguồn lực cho việc triển khai. Việc xây dựng đề án với mục đích quản trị nội bộ Tòa án ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhân sự, quản lý hồ sơ vụ án, tài chính, điều hành tòa án, bồi dưỡng và đào tạo nhân sự… Bên cạnh đó, việc xây dựng đề án cũng là để cung cấp cho nhân dân những tiện ích, dịch vụ công về tư pháp như: công khai bản án, hệ thống pháp luật, giới thiệu án lệ, giải thích pháp luật, trợ giúp pháp lý. Mặt khác, để thực hiện những hoạt động tố tụng trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số như việc nhận đơn khởi kiện, xét xử điện tử, lấy lời khai, hòa giải, tống đạt các quyết định tư pháp… Ngoài ra, việc xây dựng đề án cũng nhằm thiết lập hồ sơ gồm: xây dựng quản lý, chuyển giao hồ sơ số trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số…

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như trong Tờ trình như Báo cáo thẩm tra đã đưa ra, đồng thời nhận thấy đây là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của tòa án, tạo đòn bẩy thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc, vụ án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân.

Nguồn: Tạp chí Tòa án.

Post Author: Luật DHP