CÁC QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI

Hiện nay, loại hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Với mục tiêu hoạt động hướng đến cộng đồng và lợi ích chung cho xã hội, các doanh nghiệp xã hội được pháp luật cho hưởng nhiều quy định ưu tiên hơn nhằm khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển. Để thuận tiện cho nhu cầu tìm hiểu của Quý khách hàng, DHP Law xin tổng hợp một số quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp xã hội như sau:

1. Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2014. (Điều 10).
  • Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp xã hội

2. Khái niệm và các tiêu chí cần đáp ứng của Doanh nghiệp xã hội:

a. Khái niệm về DNXH

Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập theo quy định tại Luật doanh nghiệp, trong đó mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp không thuần túy vì lợi nhuận, mà còn nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì mục đích cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận viện trợ, tài trợ từ tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của tổ chức, cá nhân trong nước cho mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.

b. Các tiêu chí cần đáp ứng của DNXH

Căn cứ theo Điều 10 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

  • Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định tại Luật doanh nghiệp.
  • Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
  • Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

3. Thủ tục thành lập Doanh nghiệp xã hội:

Doanh nghiệp xã hội thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Lưu ý: Tên doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định về đăt tên Công ty thông thường của Luật Doanh nghiệp 2014 và có thể bổ sung thêm cụm từ “XÃ HỘI” vào tên riêng của doanh nghiệp.

Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập là Công ty TNHH hay Cổ phần thì hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xã hội cũng tương ứng với loại hình đó như là:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty (có đầy đủ chữ ký của người tham gia thành lập doanh nghiệp);
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu không phải là đại diện pháp luật của công ty đi nộp);
  • Bản sao CMND hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân ( không qua 6 tháng) còn hiệu lực của các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật và người được ủy quyền nộp hồ sơ.

Đối với Doanh nghiệp xã hội thì có thêm các hồ sơ sau:

  • Bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;
  • Quyết định của doanh nghiệp thông qua các nội dung trong bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường;
    Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Chủ sở hữu công ty hoặc HĐTV hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty TNHH một thành viên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh khi thông qua nội dung bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

4. Quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp xã hội:

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp bình thường theo quy định chung của pháp luật, doanh nghiệp xã hội còn có các quyền và nghĩa vụ khác như sau:

  • Duy trì mục tiêu “vì lợi ích cộng đồng” và “sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận để tái đầu tư” trong suốt quá trình hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;
  • Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;
  • Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.

5. Về việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ:

  • Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
  • Ngoài các khoản viện trợ như trên, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

Quý khách hàng có thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn pháp luật liên quan đến doanh nghiệp xã hội nói riêng và pháp luật doanh nghiệp – đầu tư nói chung, xin vui lòng liên hệ DHP Law để được tư vấn kĩ hơn.

HÃNG LUẬT– DHP LAW

Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0986.938.627

Zalo, Viber, Line: 0986.938.627

Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: hung.dhp