CÁC ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC PHÁP LÝ ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH SẢN PHẨM CÀ PHÊ

Các cá nhân, doanh nghiệp muốn đi vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm là cà phê thì cá nhân, doanh nghiệp đó cần phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.

I. Đăng ký kinh doanh

Để kinh doanh sản xuất cà phê có thể đăng ký kinh doanh với hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp, lựa chọn loại hình kinh doanh như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện của người kinh doanh.

1. Đăng ký hộ kinh doanh:

Hồ sơ đề nghị đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015 NĐ-CP gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
  • Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân;
  • Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
  • Trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập: bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh.

Hồ sơ nộp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện) nơi đặt địa điểm kinh doanh. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận hồ sơ.

2. Đăng ký thành lập doanh nghiệp:

Trong luật doanh nghiệp có phân chia ra 5 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần và hồ sơ đăng kí thành lập các loại hình doanh nghiệp trên được quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định 78/2015 NĐ-CP. Mỗi loại hình công ty khác nhau sẽ cần các loại giấy tờ khác nhau để hoàn thành hồ sơ thành lập công ty, về cơ bản thì hồ sơ sẽ bao gồm những thành phần chủ yếu sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ thành lập công ty (đối với doanh nghiệp tư nhân thì không cần)
  • Danh sách thành viên đối với công ty TNHH, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập đối với CTCP
  • CMND/hộ chiếu/Căn cước công dân sao y chứng thực của thành viên, cổ đông,đại diện pháp luật

Hồ sơ nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Sau khi được cấp giấy đăng kí kinh doanh thì chủ cơ sở phải thực hiện thủ tục mở tài khoản, nộp thuế môn bài, khai báo thuế ban đầu, đăng ký sử dụng hóa đơn.

II. Xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)

Theo Luật ATTP, sản xuất kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện theo đó muốn sản xuất kinh doanh cà phê, doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (giấy chứng nhận ATTP) được quy định tại Điều 18 Thông tư 45/2014, theo đó hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận ATTP (Phụ lục VI, ban hành kèm theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT)
  • Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh
  • Bản thuyết minh về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở (mô tả về sản phẩm, trang thiết bị đảm bảo ATTP, Sơ đồ bố trí mặt bằng sản xuất, hệ thống xử lý chất thải,…theo phụ lục VII Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT)
  • Danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
  • Danh sách chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm đã được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp xác nhận đủ sức khỏe (Giấy khám sức khỏe)

Về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ATTP thì theo Thông tư liên tịch 13/2014 cà phê thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và cơ quan chuyên môn được phân công quản lý là Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Như vậy, nộp giấy chứng nhận ATTP với cơ sở sản xuất cà phê tại Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận ATTP thực hiện thẩm tra hồ sơ, tổ chức đi kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở. Nội dung thẩm định: Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở; Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định. Trong thời gian 5 ngày từ ngày có kết quả thẩm định tại cơ sở là “Đạt” thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận ATTP.

Giấy chứng nhận ATTP có hiệu lực 3 năm kể từ ngày cấp.

Lưu ý: Theo hồ sơ trên thì phải có giấy chứng nhận kiến thức về ATTP và giấy khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh cà phê. Chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp tham gia sản xuất chế biến cà phê đăng ký khám sức khoẻ và khám sức khoẻ tại các bệnh viện được Sở Y Tế công nhận. Về giấy xác nhận kiến thức ATTP thì hồ sơ và thủ tục phức tạp hơn.

Điều 10 Thông tư 13/ 2014 quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP bao gồm:

  • Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về ATTP
  • Bản danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
  • Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí

Dựa trên nguyên tắc cơ quan nào cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ quan đó có thẩm quyền cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, sau khi hoàn thành hồ sơ nộp tại Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền lập kế hoạch để xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và gửi thông báo thời gian tiến hành xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày tham gia đánh giá (ngày kiểm tra) cơ quan có trách nhiệm cấp giấy xác nhận cho những người tham gia kiểm tra trả lời đúng trên 80% bộ câu hỏi đánh kiến thức ATTP. Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm có hiệu lực 03 năm, kể từ ngày cấp.

III. Tuân thủ các quy định về bao bì, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu đối với sản phẩm cà phê

1. Bao gói cà phê:

Theo các tiêu chuẩn Việt Nam về bao gói cà phê như: TCVN 5250:2015, TCVN 5251:2015… thì bao gói cà phê phải đáp ứng các yêu cầu sau: khô, sạch, không hút ẩm, chuyên dùng cho thực phẩm.

2. Nhãn hàng hóa:

Nhãn hàng hóa in trên bao bì được quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa. Theo nghị định này thì cà phê được xếp vào sản phẩm thực phẩm, việc ghi nhãn hàng hóa đối với cà phê bắt buộc phải có những nội dung sau:

  • Định lượng
  • Ngày sản xuất
  • Hạn sử dụng
  • Thành phần hoặc thành phần định lượng
  • Thông tin cảnh báo
  • Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản

Ngoài ra, phải chú ý về vị trí nhãn ở nơi có thể quan sát và thấy được nội dung; kích thước, màu sắc, ký hiệu, ngôn ngữ trình bày,… nhãn hàng hóa phải tuân theo Nghị định 43/2017.

3. Nhãn hiệu:

Có thể đăng kí nhãn hiệu hoặc không, công việc này không bắt buộc tuy nhiên nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu đảm bảo quyền lợi sau này của mình. Trong trường hợp người khác sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn hoặc nhái nhãn hiệu của mình và cho cùng loại sản phẩm gây cạnh tranh, mất thị phần, giảm uy tín… thì pháp luật gần như không bảo hộ với nhãn hiệu hàng hóa không đăng kí. Tuy nhiên để được cấp văn bằng bảo hộ thì nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt với hàng hóa dịch vụ khác.

Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được quy định tại Điều 7 Thông tư 01/2007 các tài liệu bắt buộc phải có bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký
  • Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu
  • Chứng từ (bản sao) nộp phí, lệ phí

Sau khi đầy đủ hồ sơ thì nộp tại Cục sở hữu trí tuệ. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, thời gian thẩm định đơn đăng kí nhãn hiệu là 1 năm. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam và hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

IV. Công bố lưu hành sản phẩm ra thị trường

Theo nghị định 15/2018 để lưu hành sản phẩm là cà phê thì doanh nghiệp tự công bố sản phẩm phù hợp quy định ATTP trước khi lưu hành. Hồ sơ tự công bố bao gồm:

  • Bản tự công bố sản phẩm (Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định 15/2018)
  • Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 (bản chính hoặc bản sao chứng thực).

Trình tự thực hiện tự công bố sản phẩm như sau: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm và nộp 1 bản đến Ban Quản lý An toàn thực phẩm để lưu trữ. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Lưu ý: Theo như quy định nêu trên thì để có thể công bố sản phẩm cà phê cần phải kiểm nghiệm sản phẩm. Tùy vào sản phẩm cà phê gì: cà phê bột, cà phê nhân, cà phê hòa tan, cà phê hạt… mà thêm bớt chỉ tiêu kiểm nghiệm an toàn khác nhau, tuy nhiên các chỉ tiêu kiểm nghiệm cà phê cơ bản như: chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu hóa lí, chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu độc tố vi nấm …phải căn cứ theo các quy định:

  • Quyết định 46/2007/QĐ-BYT Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm
  • QCVN 8-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm
  • QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.

Chủ cơ sở sản xuất liên hệ với một tổ chức có chuyên môn kiểm nghiệm đã được Bộ Y tế cấp phép để thực hiện việc kiểm nghiệm mẫu sản phẩm và nộp lại phiếu kiểm nghiệm theo hồ sơ nêu trên.

Trên đây là các bước cơ bản để một cá nhân hoặc tổ chức đi vào sản xuất kinh doanh cà phê, tuy nhiên trên thực tế để hoàn tất các thủ tục nêu trên thì không phải dễ dàng và còn nhiều quy trình kèm theo.

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: hung.dhp