“BAN THANH TRA NHÂN DÂN” – MỘT CƠ QUAN THANH TRA, GIÁM SÁT ĐỊA PHƯƠNG

Có một cơ quan thanh tra, giám sát ở chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn mà chưa có nhiều người biết đến, đó là Ban thanh tra nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu một cách đầy đủ và ngắn gọn về Ban thanh tra nhân dân để mọi người cái nhìn tổng quan nhất về đơn vị sự nghiệp công lập này.

1. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn là cơ quan thanh tra do nhân dân bầu ở cấp xã, phường, thị trấn để thực hiện hoạt động thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn.

2. Ban thanh tra nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp:

  • Thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố bầu;
  • Ban Thanh tra nhân dân có Trưởng ban, phó Trưởng ban và thành viên. Nhiệm kỳ Ban Thanh tra nhân dân là 02 năm;
  • Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

3. Chức năng, nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân cấp phường, xã, thị trấn:

  • Giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở theo quy định tại Điều 13 Nghị định 159/2016/NĐ-CP. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó;
  • Xác minh những vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao;
  • Tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại xã, phường, thị trấn theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được yêu cầu;
  • Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.

4. Quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân cấp phường, xã, thị trấn:

  • Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị;
  • Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân phát hiện sai phạm và có thành tích trong công tác;
  • Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân.

5. Các hoạt động cụ thể của Ban thanh tra nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:

  • Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban thanh tra nhân dân

+ Hằng năm, Ban thanh tra nhân dân căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, chương trình hành động và sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động.

+ Chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban thanh tra nhân dân phải báo cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn.

  • Hoạt động giám sát

+ Hoạt động của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

+ Hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các ủy viên Ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố và những người đảm nhận nhiệm vụ tương đương.

+ Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại xã, phường, thị trấn

+ Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn

+ Việc thu, chi ngân sách, quyết toán ngân sách, công khai tài chính tại xã, phường, thị trấn

+ Việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn.

+ Các công trình triển khai trên địa bàn xã, phường, thị trấn có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa – xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân

+ Việc quản lý trật tự xây dựng, quản lý các khu tập thể, khu dân cư, việc quản lý và sử dụng đất đai tại xã, phường, thị trấn.

+ Việc thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định của nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân tại xã, phường, thị trấn.

+ Việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc xử lý các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ xã, phường, thị trấn.

+ Việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với đất nước, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

  • Hoạt động xác minh

+ Tiếp nhận nhiệm vụ xác minh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao.

+ Trong quá trình thực hiện việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xác minh; xem xét để làm rõ sự việc cần xác minh; việc xác minh được lập thành biên bản.

+ Kết thúc việc xác minh, Ban thanh tra nhân dân báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về kết quả xác minh; đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý.

Như vậy, Ban thanh tra nhân dân là cơ quan thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, có thẩm quyền thanh, kiểm tra và kiến nghị xử lý vi phạm. Đây là một cơ quan thanh tra mà người dân cần nắm rõ để được bảo vệ khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm.

—————————————–
Để được hỗ trợ pháp lý và/hoặc giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ:
HÃNG LUẬT DHP – DHP LAW
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLA

Post Author: hung.dhp