5 LOẠI CHẤT ĐỘC

Một người Bà La Môn đã tìm một Đức Phật xin chỉ bảo: “Vì sao những người lương thiện như tôi lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt vậy?”

 Đức Phật trả lời:
– Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác. Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, người Bà La Môn không phục, liền nói:
– Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Đức Phật trả lời:
– Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Bà La Môn nói:
– Nỗi khổ của con thì rất nhiều!
Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có cảm giác thua thiệt bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này.
Trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…
Cứ như vậy, lần lượt Bà La Môn kể hết với Đức Phật những nỗi thống khổ của mình.
Đức Phật gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân từ đôn hậu, ngài từ tốn nói với vị Bà la Môn: “Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy. Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm.
Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm.
Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm.
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói…
Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại. Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?”
Đức Phật nói xong những điều nầy, tiếp tục nhìn người Bà La Môn với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng.
Ngồi im lặng hồi lâu. Xưa nay người Bà La Môn vẫn cho mình là một người rất lương thiện. Mãi đến lúc này, phải, chỉ đến lúc lúc này, ông ta mới biết được trong ông ta còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác. Bởi vì nội tâm của chứa những điều ác, nên mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm không ác, sao có thể khổ chứ?
Người Bà La Môn vội quỳ lạy Đấng Thế tôn và nói:
– Xin cảm tạ Đức Phật, nếu không được ngài khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!
 
Nguồn: Sưu tầm từ cuốn sách “Những câu chuyện cuối tuần” của Thanh Hà

Post Author: linh